Review sách ‘Dám bị ghét’ – Quyển sách giúp bạn tìm lại chính mình


‘Dám bị ghét’ – Cuốn sách giúp bạn phát triển khả năng kiểm soát cảm xúc:

Xã hội hiện đại quá ngột ngạt, nó đặt chúng ta trong một môi trường khắc nghiệt, buộc chúng ta phải sống chung với những người mà chúng ta không thích, mang đeo theo những mối quan hệ khiến chúng ta bức bối đến cực điểm.

Phần lớn chúng ta không có cơ hội để lựa chọn những điều mà bản thân thích hay sống cuộc sống mà chúng ta muốn, bởi lẽ chúng ta không phải chỉ sống một mình trên thế gian này mà bao bọc quanh ta còn có những người khác, một xã hội rộng lớn hơn.

Chúng ta không thể cứ sống cho mình, sống vì mình mà còn phải chấp nhận sống vì người khác, đôi khi, sự chấp nhận của chúng ta đã trở thành chịu đựng, chúng ta sống vì người khác nhiều đến nỗi chúng ta đã quên mất bản thân mình là ai, mình thích gì, bản ngã thật sự của mình là gì, chúng ta cần gì và muốn gì, những cảm xúc chân thật đang lan tỏa trong lòng ta là gì. Chúng ta bị mọi người xung quanh ép vào khuôn và phải bó mình cho vừa với cái khuôn đó, để phù hợp với tiêu chuẩn của người khác, của xã hội nói chung, để không trở nên ‘lạc loài’ so với cộng đồng và không phải nhận lấy những lời đánh giá tiêu cực từ người khác.

Cuộc sống như thế… Chẳng khác nào tảng đá đang lăn xuống triền núi, khi còn ở đầu hành trình, tảng đá vẫn là một khối đá gồ ghề đầy những góc cạnh, nhưng khi nó lăn đến cuối con đường, nó đã bị những bề mặt mà nó đi qua mài mòn, gọt tạc, đến nỗi trở thành một hòn đá nhẵn. Những mối quan hệ xung quanh không phải không tốt, sống vì người khác cũng không phải là một điều tiêu cực, tuy vậy mọi thứ chỉ nên dừng lại trong giới hạn mà thôi, nếu chúng ta quá hướng đến người khác, quá chú trọng vào cảm xúc của người khác mà quên mất bản thân mình là ai thì có khác nào chúng ta đã đánh mất chính mình? Đến khi ấy chúng ta sẽ mãi bị lệ thuộc vào các mối quan hệ, trao cho người khác cái quyền khiến tim ta tổn thương và rồi mang theo những vết thương chằng chịt ấy mà sống hết cuộc đời, chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng… Một cuộc sống như vậy có lẽ chẳng ai mong muốn.

Nắm bắt được những trăn trở đó của nhân loại, hai tác giả Koga Fumitake và Kishimi Ichiro đã viết ra cuốn sách để đời ‘Dám bị ghét’ – Một công trình tuyệt vời và là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc – Với mục đích chữa lành vết thương trong lòng của mỗi chúng ta – Những vết thương xuất phát từ chính các mối quan hệ giữa người với người. Cuốn sách được xây dựng dựa trên công trình nghiên cứu về tâm lý học của nhà tâm lý học lỗi lạc Alfred Adler với những chân lý sáng rỡ, với những liệu pháp tâm lý đặc biệt, có khả năng cởi bỏ hết những bóng đen trong tâm hồn mỗi người, hướng đôi mắt của chúng ta đến một chân trời tươi sáng hơn, từ đó được có một cuộc sống lạc quan, yêu đời, trọn vẹn về vật chất và tinh thần. Thật không ngoa khi gọi quyển sách là ‘sự tiếp nối ngoạn mục sau siêu phẩm Đắc nhân tâm’. Những giá trị quý báu mà quyển sách mang lại cho người đọc tương tự như những gì mà ‘Đắc nhân tâm’ đã mang lại vậy, chỉ khác là ‘Đắc nhân tâm’ dạy chúng ta cách kết nối với người khác còn ‘Dám bị ghét’ dạy ta cách kiểm soát sự kết nối đó.

‘Dám bị ghét’ – Tác phẩm văn học tinh tế và liệu pháp chữa trị tinh thần êm dịu:

Khác với những quyển sách dạy về việc phát triển kĩ năng hay kiểm soát cảm xúc đương thời trình bày dưới dạng những luận điểm, luận cứ, luận chứng rõ ràng, rành mạch, ‘Dám bị ghét’ được trình bày dưới hình thức một câu chuyện. Mở đầu tác phẩm, tác giả đưa ra một tình huống thú vị như thế này: Ở cố đô Kyoto của Nhật Bản, có một triết gia đã phát biểu rằng ‘thế giới vô cùng đơn giản và con người có thể hạnh phúc ngay lúc này’.

Lời phát biểu của triết gia lọt vào tai một chàng thanh niên – Người chưa từng cảm nhận được hạnh phúc và còn đang trăn trở về những điều khắc nghiệt của cuộc sống. Như một lẽ hiển nhiên, chàng thanh niên cho rằng phát biểu của triết gia hết sức ngớ ngẩn và anh ta gay gắt phản bác nó. Anh ta quyết tâm đến độ tìm đến tận nhà của triết gia để đối chất, mục đích của người thanh niên là muốn triết gia phải rút lại phát biểu hời hợt của mình và quỳ gối xin lỗi anh vì đã thốt ra một lời huyễn hoặc đến vô trách nhiệm.

Sau những tiếng nện cửa vội vã, vị triết gia lỗi lạc ôn hoà xuất hiện trước mặt anh. Vừa trông thấy ông chàng thanh niên đã điên tiết bày tỏ ý định của mình. Triết gia lặng nghe anh nói và rồi ông ôn tồn mời anh vào nhà. Hai người đã có một cuộc trò chuyện dài với nhau – Một cuộc trò chuyện diễn ra trong nhiều ngày. Họ cùng bàn về việc ‘thế giới vô cùng đơn giản và con người có thể hạnh phúc ngay lúc này’. Triết gia cố gắng thuyết phục và giải thích rõ cho người thanh niên hiểu nguyên nhân vì sao ông đưa ra phát biểu đó còn chàng thanh niên thì cố gắng phản bác ông.

Sau vài lời dạo đầu, chàng thanh niên được biết phát biểu mà triết gia thốt ra bắt nguồn từ suy niệm của ông về một trường phái triết học gọi là ‘triết học về con người’. Nó là công trình nghiên cứu của nhà tâm lý học Adler. Từ đây, triết gia từng bước từng bước lý giải cho người thành niên về các quan điểm chủ đạo của tâm lý học Adler, cũng như từng chút từng chút cởi bỏ bóng đen bao phủ tâm hồn anh. Sau cuộc trò chuyện này người thanh niên đã tìm thấy ánh sáng của mình, anh rời nhà triết gia và bước đi trên con đường phủ đầy những vạt tuyết đầu mùa. Anh biết một khởi đầu mới đang đến.

Với cách kể chuyện như vậy, ‘Dám bị ghét’ giúp người đọc dễ tiếp cận với thế giới của tâm lý học Adler. Thông qua cuộc đối thoại của nhân vật, người đọc hiểu được một cách rõ ràng, cụ thể về tâm lý học Adler, cũng như hiểu được bản chất thật sự của con người. Hành trình đi từ bóng tối sang ánh sáng của người thanh niên cũng là hành trình của người đọc. Những lời mà triết gia nói với chàng thanh niên không chỉ dành cho riêng anh mà còn dành cho chính người đọc nữa.

Chàng thanh niên là một người chịu nhiều tổn thương bởi lúc nào anh cũng chú ý đến ánh mắt của người khác. Anh không thể sống trọn vẹn cuộc sống của mình bởi vì luôn bị cha mẹ so sánh với người anh trai tài hoa bên cạnh. Anh bị cha mẹ dùng sự so sánh làm tổn thương đến nỗi bản thân lúc nào cũng có cảm giác tự ti, anh không dám kết bạn, không dám bắt đầu một mối quan hệ yêu đương. Vì ngay từ tấm bé đã bị đặt trong mối quan hệ so sánh nên khi lớn lên, anh cũng có thói quen so sánh bản thân với người khác. Sau mỗi lần so sánh ấy, anh lại chỉ nhìn thấy khuyết điểm của mình, cảm thấy bản thân kém cỏi hơn so với những người xung quanh. Anh tự nhiên nuôi dưỡng một sự đố kỵ và không thể thật lòng mừng cho thành công của bất cứ ai – Kể cả những người mà anh yêu quý.

Người thanh niên sống mà như chết vậy. Lúc nào anh cũng bị giày vò trong những cảm xúc tiêu cực. Thật may mắn cho anh bởi vì đã gặp được triết gia và được ông ấy chữa lành. Triết gia dùng tâm lý học của Alfred Adler để dạy anh cách yêu thương chính mình. Ông bảo rằng anh không được để sự đánh giá của người khác ảnh hưởng lên bản thân và rằng: ‘mỗi người phải biết phân chia nhiệm vụ, việc của chúng ta là làm tốt việc của mình còn chuyện đánh giá việc ấy như thế nào là nhiệm vụ của người khác, chúng ta không có quyền can thiệp vào nhiệm vụ của họ’.

Những lời của triết gia như giọt nước trong vắt rỏ vào trái tim khô cằn của chàng thanh niên, giúp nơi ấy trở nên mềm mại hơn, êm dịu hơn, dường như anh đã cởi bỏ được những lọn dây thừng đã trói chặt mình bấy lâu. Và, không chỉ riêng chàng thanh niên được giải thoát mà ngay cả chúng ta – Những người đọc – Cũng được giải thoát như vậy. ‘Dám bị ghét’ khiến chúng ta phải nghiêm túc suy ngẫm lại cuộc đời mình, nghiêm túc suy ngẫm lại những mối quan hệ xung quanh cũng như cách mà ta nhìn nhận về các mối quan hệ ấy. Quyển sách khiến chúng ta hiểu rằng suy nghĩ của chúng ta là rất quan trọng. Hạnh phúc và khổ đau thật ra chỉ phụ thuộc vào cách mà ta nhìn nhận vấn đề. Mọi thứ diễn ra trong cuộc đời ta đều do chính chúng ta lựa chọn và chúng ta phải là người chịu trách nhiệm cho mọi sự lựa chọn ấy. Đây quả thật là một quyển sách rất đáng đọc.

‘Dám bị ghét’ – Một trải nghiệm mới mẻ:

‘Dám bị ghét’ được viết dưới hình thức một câu chuyện. Tác giả rất tài tình trong việc lồng ghép những quan điểm của triết học vào tác phẩm. Từ đầu đến cuối, thứ mà chúng ta tiếp xúc chỉ là những cuộc hội thoại giữa nhân vật ‘chàng thanh niên’ và ‘triết gia’ nhưng thông qua đó, chúng ta có thể cảm nhận sâu sắc được nội tâm của nhân vật cũng như nỗi đau chung của những con người phải chịu đủ mọi áp lực từ công việc đến cuộc sống dưới bầu không ngột ngạt của thế giới hiện đại.

Vì cảm nhận được như thế nên có những đoạn chúng ta hoàn toàn có thể đồng cảm với ‘chàng thanh niên’. Chúng ta tìm thấy một mảnh tan vỡ trong lòng mình thông qua những lời tự thú nhận của anh. Chúng ta cũng như anh, ít nhiều bị tổn thương bởi các mối quan hệ xung quanh, bởi những người mà ta yêu quý. Chúng ta cũng từng bị đặt lên bàn cân cùng với ai đó và phải lãnh nhận những lời phán xét của mọi người vì những đặc điểm khác biệt của ta so với cá thể ở bàn cân bên kia. Chúng ta hiểu được những tổn thương không nói thành lời của chàng thanh niên, vì vậy những lời của triết gia càng khiến ta cảm thấy lòng nhẹ nhõm thanh thản. Tác giả Koga Fumitake và tác giả Kishimi Ichiro không những hiểu thấu về con người mà còn hiểu thấu về xã hội, chính vì thế họ mới xây dựng nên được một tác phẩm tài tình đến thế.

Dù là một tác phẩm có thể xếp vào loại ‘sách kỹ năng’ nhưng giọng văn của ‘Dám bị ghét’ không hề mang phong cách gãy gọn, súc tích như những tác phẩm đương thời mà ngược lại đậm chất trữ tình. Càng về cuối tác phẩm, ta càng cảm nhận được chất trữ tình sâu lắng rất đặc trưng của văn học Nhật. Ngôn từ của dịch giả Thanh Vân rất phong phú, thú vị, gợi cảm nên càng làm bật lên được nét trữ tình lắng đọng ấy. Tuy rằng có những đoạn đối thoại vẫn hơi gượng, nhanh – Nhất là những đoạn có sự tranh cãi gay gắt giữa hai nhân vật chính ‘chàng thanh niên’ và ‘triết gia’ nhưng nhìn chung, văn phong của tác phẩm ổn, lôi cuốn. Đây là quyển sách có thể dùng gối đầu giường để đọc đi đọc lại nhiều lần.

‘Dám bị ghét’ giúp tâm hồn tôi thanh thản hơn:

Mỗi lần phải đối diện với những áp lực cuộc sống – Nhất là áp lực từ các mối quan hệ xã hội thì tôi lại tìm đến ‘Dám bị ghét’. Chẳng hiểu sao nhưng khi đọc quyển sách, tôi cảm thấy lòng mình nhẹ đi và bao nhiêu nỗi muộn phiền hờn giận đều tiêu tan, cảm giác tâm trí sáng rỡ ra.

Đọc ‘Dám bị ghét’ thường xuyên khiến tôi dần điều chỉnh được cảm xúc của mình, dần không còn bị sự đánh giá bên ngoài chi phối nữa và có thể sống cho mình nhiều hơn, dần yêu thương chính mình hơn, đến giờ tôi vẫn dành cho cuốn sách một sự quý trọng đặc biệt, nó luôn nằm trên kệ sách ở bàn làm việc của tôi – Nơi mà tôi có thể với lấy nó bất kỳ lúc nào. Tôi nghĩ rằng một trong hai quyển sách mà bất kì ai cũng phải đọc một lần trong đời chính là ‘Đắc nhân tâm’ và ‘Dám bị ghét’.

‘Thế giới vô cùng đơn giản và con người có thể hạnh phúc ngay từ lúc này’ – Đây là phát biểu của triết gia và cũng là phát biểu mở đầu tác phẩm, đến giờ tôi vẫn cảm thấy nó đúng. Quả thật chúng ta có hạnh phúc hay không đều tùy thuộc vào sự lựa chọn của chính chúng ta thôi, nếu chúng ta chọn hạnh phúc, chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc, cũng giống như ai đó đã từng nói: ‘Khi ta muốn, ta sẽ tìm thấy con đường, khi ta không muốn, ta sẽ tìm thấy lý do’.

Bạn có thể tìm mua 'Dám bị ghét' ở đâu? 

Ở đây, thưa đồng tâm: Mua 'Dám bị ghét' với giá cực rẻ Nếu bạn mua lúc này bạn sẽ được mua với giá rẻ hơn mình hồi đó đấy, hãy vui lên :'( Hãy mau mua nó về và thưởng thức nó, đồng thời quay lại comment cho mình biết cảm nhận của bạn về quyển sách này nhé, liệu có giống như những gì mình đã cảm nhận không. Được rồi đó, chúc bạn một ngày vui vẻ <3

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mai nở dưới Sao - Chương 1: Khởi đầu - Phần 1