Mai nở dưới Sao: Chương 23: Vùng không gian vây kín thứ hai - Phần 3

Nùng Tậu nghe theo kiến nghị này của em, chiều đó, chàng ta đến tìm già làng và bày tỏ mong muốn nhờ vả ông ta tìm một vài vũ công tài giỏi trong tộc giúp chàng. Thế nhưng Nùng Tậu đã bị già làng từ chối quyết liệt. Ông ấy thậm chí đã dọa rằng sẽ đuổi chàng ra khỏi làng nếu chàng cứ giữ ý định ấy, dù có đắc tội với Cổ Loa thì ông ấy cũng không ngại đâu.

- Tại sao chứ? Chrau Lun[1] Thuân, đây là một việc tốt cho cả Thần giới và cả tộc ông. Nếu ta tiêu diệt được Lì, các người sẽ không phải tránh xa khu rừng ven hồ Lì nữa mà có thể sử dụng khai thác khu rừng để làm giàu cho cuộc sống của người dân trong làng. - Nùng Tậu kiên nhẫn thương lượng.

- Tôi biết, thưa Quan Lang. Tôi biết nhiệm vụ của ngài rất cao cả, tuy vậy, tôi không thể đánh cược sinh mạng của các tộc nhân vào truyền thuyết đó được. - Chrau Lun Thuân lắc đầu, khổ sở nói.

- Truyền thuyết đó có gì không đúng ư?

- Vâng, đó chỉ là truyền thuyết thôi. - Già làng thành thực - Câu chuyện về nàng Bi Cu Loăn được truyền lại trong làng, có nhiều người đã từng đến hồ Lì và dâng điệu múa để cầu mong truyền thuyết ứng hiện nhưng vô vọng. Họ hoặc là chết bởi cơn mưa than khóc hoặc là chết vì bị Lì ăn thịt. Thế nên từ lâu chúng tôi đã cài nhiều bẫy rập ven hồ, hòng ngăn cản tộc nhân vào đó.

Già làng xua tay, bất lực nhấn mạnh thêm - Ngài đừng tin truyền thuyết đó làm gì!

Không nhận được sự hưởng ứng từ già làng khiến Nùng Tậu rất thất vọng. Chàng trở về nhà, nói rõ cho Sao nghe và em cũng thất vọng hệt như chàng. Hai người quyết định tiến vào khu rừng để xem xét trước đã. Họ sẽ tìm thử xem có cách nào tiếp cận Lì mà không phải múa may hay không.

Nùng Tậu và Sao đi vào khu rừng, khác với vùng ven của Chớn, khu rừng bao bọc hồ Lì không có những cây thân gỗ cao chọc trời và những dây leo khổng lồ uốn quanh. Khu rừng của Lì trông không khác gì một khu rừng rậm nhiệt đới bình thường, tuy vậy, có một loại dây leo phát triển mạnh ở đây. Thứ dây leo đó có lá như rau muống và nở hoa cũng trắng muốt như vậy. Nùng Tậu bảo rằng dù trông nó có vẻ hiền lành nhưng nhựa cây là thứ cực độc có thể gây mù mắt. Sao nghe thế thì rất sợ hãi, em chẳng dám đến gần đám dây leo đó.

Hai người tiếp cận hồ Lì. Như khu rừng bao bọc Chớn, nơi này cũng được người dân bày ra vô vàn loại bẫy rập. Nhưng khác với mục đích của những cái bẫy ở vùng ven của Chớn - Người ta cài để ngăn Chớn gây hại. Những cái bẫy trong khu rừng này đích thị là dành cho người. Người Chơ Ro cài bẫy để ngăn tộc nhân tiến vào hồ dâng mạng cho Lì.

- Truyền thuyết đó khiến cho nhiều người không ngần ngại xông vào đây. - Nùng Tậu vừa dùng dao găm phá vỡ các loại bẫy ven đường đi vừa nói - Nước hồ nghe nói là có công dụng thần kì, chữa được bá bệnh nên không ít người liều mạng tiến vào để cướp lấy nước.

- Ra vậy.

- Chẳng biết truyền thuyết có thật hay không, người Chơ Ro cũng đã dâng hiến điệu múa cho Lì hàng chục lần nhưng họ vẫn bỏ mạng. Đến bây giờ, dân làng đã không còn niềm tin vào truyền thuyết ấy nữa, họ cài bẫy để ngăn tộc nhân của mình đi vào đây. Nghe già làng nói, thà để họ tàn tật vì dính bẫy còn hơn để họ bỏ mạng bên hồ Lì.

- Tội nghiệp quá. - Sao xót xa, thở ngắn than dài.

Hai người dừng chân bên hồ Lì, từ vị trí của họ, có thể nhìn thấy hồ nước rộng lớn xanh ngời phía xa. Hồ nước phẳng lặng và trong trẻo, được bao bọc bởi những tán cây đại thụ u trầm. Trên những cành cây to lớn sà xuống mặt hồ, đám dây leo đầy độc kia sinh trưởng mãnh liệt, đan xen vào nhau như một tấm lưới bọc hồ Lì bên trong.

Khu rừng không có mưa vậy mà ở hồ Lì, mưa cứ rả rích rơi không ngừng. Mưa gõ lên mặt hồ những vòng tròn dao động. Nước mưa bị ngăn lại bởi tấm màn dây leo mà không văng ra ngoài. Giữa hồ mọc lên sừng sững một sân khấu bằng tre. Chẳng biết ai đã tạo nên sân khấu ấy, diện tích của nó vừa hay lại đủ cho một vũ đoàn nhỏ nhảy múa.

- Truyền thuyết có thật ư? - Sao kinh ngạc. Thật sự nàng Bi Cu Loăn đã từng nhảy múa ở đó ư?

- Không đâu, là do Thần lúa để lại đấy. - Nùng Tậu ngán ngẩm giải thích.

- Dạ?

- Năm xưa, Thần lúa chính là người đã chế phục Lì và nhốt nó vào đây. Khi ấy, Lì chưa có khả năng thi triển cơn mưa than khóc lố bịch này. Thần lúa chế phục xong nó thì mệt quá nên mới dựng giường tre giữa hồ mà ngủ. Ta đã nghe ông ấy nói về chuyện này khi ông ấy ghé thăm Cổ Loa cách đây khá lâu.

- Ra vậy. - Sao vỡ lẽ, mặt hiện rõ vẻ mất hứng.

- Nhưng mà ngươi xem kìa. - Nùng Tậu hướng về giường tre và nói với em - Nơi đó không có mưa.

- Ừ nhỉ?

Khu vực dẫn ra giường tre và khu vực bao quanh giường không hề có mưa rơi. Hai người không hiểu tại sao mưa của Lì lại không rơi lên ấy.

- Có vẻ những tộc nhân trước đã nhảy múa ở giường tre đó. - Nùng Tậu nói.

- Vâng. Khi đứng ở đó, họ sẽ không bị mưa vẩy trúng.

- Nhưng đó là nơi gần với Lì, nó sẽ ăn thịt họ nếu họ không thể làm nó vui.

- Ra đó là lý do có nhiều người bỏ mạng.

Nơi dẫn ra giường tre và khu vực bao quanh giường tuy không có mưa, thế nhưng nó lại nằm ở giữa hồ, nơi mà Lì luôn hiện diện. Chỉ cần một cú bật, Lì có thể lao từ dưới nước lên và xơi gọn những người ở trên giường. Những người có thể chạy thoát, nếu không khéo léo thì sẽ dính phải nước mưa ngay vì thật ra, diện tích không bị phủ mưa của giường và con đường dẫn ra giường hơi hẹp.


[1] Một trong hai họ gốc của người Chơ Ro. Chrau Lun trong tiếng Chơ Ro có nghĩa là cá sấu.

Nhận xét