Mai nở dưới Sao: Chương 23: Vùng không gian vây kín thứ hai - Phần 5
Nùng Tậu đưa Sao đến nhà của vũ sư vào đầu giờ thìn hôm
sau. Hai người phải đi sâu vào khu vực phía nam, vòng quanh khu rừng Lì, đến một
nơi cách trung tâm làng đoạn đường rất dài. Nhà của vũ sư nằm sau một con suối,
giữa rừng ngàn âm u. Sao vừa đi vừa ham thích quan sát khắp nơi, em bảo với
Nùng Tậu rằng em muốn khám phá cả khu vực này để nghiên cứu tư liệu. Nùng Tậu
không tỏ sự khó chịu nào, chàng ngược lại còn nhếch môi và bảo, nếu em thích
thì sau khi diệt được Lì, hai người sẽ ở lại đây một thời gian, đợi khi nào em
nghiên cứu chán rồi mới lên đường tiếp cũng được. Sao vô cùng bất ngờ, em cứ rảo
bước theo Nùng Tậu, liên tục hỏi 'thật không, thật không' đến nỗi khiến tai
chàng ta lùng bùng. Nùng Tậu phải dọa nạt thì em mới thôi.
Đi từ sớm, đến quá trưa thì họ mới đến được nhà vũ sư, cũng
như nhà của bao người dân Chơ Ro khác, nhà của vũ sư là dạng nhà sàn với mái được
lợp từ lá trung quân và lá cỏ tranh, vách nhà nghiêng, được tạo bởi những thân
tre đập giập buộc bằng dây mây. Nùng Tậu bước lên cầu thang và Sao theo sau
chàng, trong đầu chàng chợt hồi tưởng về cuộc gặp gỡ kì lạ ấy.
Hôm qua, sau khi bàn bạc kĩ lưỡng với Sao, Nùng Tậu bắt đầu
lên đường đi tìm vũ sư dạy múa cho em. Biết rõ năng lực Sao có hạn, thế nên
Nùng Tậu quyết định tìm một vũ sư thật giỏi, thật danh tiếng để đào tạo em.
Chàng nghĩ trong lòng, con nhóc xấu xí không trông mong được thì chỉ đành trông
mong vào thầy dạy nó thôi. Chàng lân la tìm hiểu, cuối cùng được giới thiệu cho
vị vũ sư được trọng vọng nhất trong cộng đồng Chơ Ro lúc bấy giờ.
Vị vũ sư nổi tiếng ấy quả nhiên không khiến chàng thất vọng.
Vừa mới đến khoảnh đất đầu nhà ông, chàng đã nhìn thấy những cô, những cậu nam
thanh nữ tú trong làng uyển chuyển nhảy múa. Ông ấy vừa đi vừa nghiêm nghị xem
xét động tác của các trò và chỉnh đốn rất bài bản tâm huyết. Nùng Tậu hài lòng
nhếch cười, người này sẽ dạy dỗ được con bé xấu xí kia thôi.
Nùng Tậu vào nhà và trò chuyện thân mật với ông. Vũ sư rất
vui vì chàng đến tìm, ông không nghĩ Quan Lang lại để mắt đến mình. Hai người đối
đáp qua lại một lúc, Nùng Tậu ngỏ ý muốn vời ông đến dạy riêng cho tỳ nữ nhà
mình. Vị vũ sư nghe đến đây thì cảnh giác, nhất quyết muốn biết mục đích ngầm
phía sau, Nùng Tậu cũng không giấu, nói thẳng là muốn tỳ nữ học múa để chinh phục
Lì. Ông vũ sư nhác nghe thấy thế, lập tức từ chối đùng đùng, không ngại đuổi
chàng đi.
Nùng Tậu khó hiểu và bực mình lắm, bởi chàng đâu có dùng
dân làng của họ để chinh phục Lì? Chàng dùng người của mình cơ mà? Chỉ nhờ họ dạy
điệu múa thôi. Thế rồi chàng lại đi tìm vũ sư khác, bao nhiêu vũ sư trong làng
chàng đều đến qua, người nào cũng từ chối dữ dội, Nùng Tậu đoán rằng, hẵng là vị
vũ sư kia đã báo tin cho họ để họ khước từ chàng đây mà.
Nùng Tậu day trán trở về nhà, định bàn bạc lại với em rồi
tìm ra cách khác để tiếp cận Lì. Chàng đi được vài bước thì nghe thấy tiếng động,
Nùng Tậu quay lại, chợt thấy một ông lão tàn tật vừa chống gậy vừa nhảy vội
theo sau mình. Nùng Tậu sững ra một chút, nhưng không đi nữa mà dừng bước hẳn.
Ông lão đến gần chàng rồi tự giới thiệu là một vũ sư. Nùng Tậu nhìn ông ta từ
trên xuống dưới, mắt rơi lên cái chân phải cụt đến tận gối của ông ta, ra chiều
không tin tưởng.
- Ngài muốn chinh phục Lì đúng không? - Ông ta đi thẳng
vào vấn đề khi nhận thấy sự hoài nghi của chàng.
- Ừ. - Nùng Tậu gật đầu.
- Tôi có một vũ đoàn, có cả nhạc công và nhạc cụ, bản
thân tôi thì là một vũ sư khiêm luôn nhạc công. Tôi có thể giúp ngài.
- Nhưng tỳ nữ của ta dở lắm, con nhóc không hình dung được
động tác nếu chỉ nói bằng lời đâu.
- Không sao, tôi có cách để dạy cô ấy. - Người vũ sư tàn
tật tự tin nói.
Nùng Tậu đắn đo, không tin tưởng hoàn toàn. Ông lão
khuyên chàng hãy đến nhà ông một chuyến. Nùng Tậu đồng ý, khi đến sân nhà,
chàng nhìn thấy một vũ đoàn nhỏ đang tập múa, vũ công chỉ là những đứa trẻ, tuy
vậy, động tác đẹp đẽ và uyển chuyển hơn hẳn vũ đoàn của vị vũ sư nổi danh kia.
Nùng Tậu bắt đầu hứng thú, đi vào nhà, bên trong có sẵn hết
các loại nhạc cụ truyền thống của người Chơ Ro, bao gồm bộ chiêng bảy chiếc và
chinh[1], cả
đàn Gong[2]
Cla và đàn Gong Clog nữa.
Trong nhà, những nhạc công mà ông ta nhắc đến cũng đã có
mặt. Tuy vậy, họ đều là những người tàn tật, có người mất tay, có người mất
chân, có người thì toàn thân đầy sẹo. Để chiếm lấy niềm tin của Nùng Tậu, họ
chưa vội kể câu chuyện xưa mà lập tức biểu diễn cho chàng xem. Điệu nhạc Chơ Ro
ngân vang, vũ đoàn bên dưới hòa nhịp múa. Tiếng chiêng kết hợp với tiếng đàn
Gong Clog, đệm vào không trung những thanh âm huyền ảo. Những cô bé đi qua đi lại
nhịp nhàng, tay đưa lên, tay vẩy xuống, mềm mại dứt khoát. Những cậu bé cầm
theo gậy tre, điêu luyện chuyền gậy qua tay, bất chợt gõ gậy xuống đất, đều răm
rắp, tạo nên âm thanh vang dội.
Nhận xét
Đăng nhận xét